CỬA CHÙA LÀ NƠI THANH TỊNH: KHÔNG PHẢI NƠI TẠO RA “THỊ PHI” ỒN ÀO!

Chưa có một ngôi chùa nào gây ồn ào, thị phi và tranh cãi đến nổi các cơ quan hành pháp từ trung ương đến địa phương phải tham gia “chấn chỉnh” nhiều lần như Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Phật môn là nơi đề cao sự thanh tịnh, bình lặng và bác ái. Liệu có bình lặng hay không, khi các cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoài nước liên tục đưa tin, viết bài phản ảnh những tiêu cực tồn tại xung quanh ngôi chùa này… (!?)

CHÂN TU LÀ TỈNH LẶNG, TRÁNH THỊ PHI

Nhớ thuở xưa, Thái tử Tất-Đạt-Đa (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) sau khi từ bỏ hoàng cung đã đi sâu vào rừng thẳm, tìm nơi hẻo lắng tu tập, tìm chân lý giác ngộ. Ngài không màn danh lợi, quyết tâm tu tập cốt để tìm ra chân lý giải thoát con người khỏi sự mê mụi của Tham-Sân-Si bỏ ác, làm lành. Từ đó đến nay đã hơn hai nghìn sáu trăm (2.600) năm, đã có rất nhiều các vị cao tăng, trưởng lão thừa hành theo tôn chỉ của Ngài. Họ tìm nơi “thâm sơn, cùng cốc” những nơi thanh tịnh để ngày đêm tu tập các lời răng dạy của Đức Phật, thực hiện chỉ dạy của ngài cốt để “tốt đạo, đẹp đời”…

Trước khi trở thành ngôi chùa nguy nga và lộng lẫy như ngày nay thì Chùa Ba Vàng cũng chỉ là một ngôi chùa nhỏ nằm ở vị trí hẻo lánh, hoang vu trên vách núi cao, tách biệt với nơi phố xá ồn ào. Từ ngày, đại đức Thích Thái Trúc Minh về nhận nhiệm vụ chủ trì Chùa Ba Vàng thì ngôi chùa này nhanh chóng được thay đổi diện mạo rõ nét… Công lao của Thầy quả là không nhỏ và không ai dám phủ nhận sư thầy có tài “làm kinh tế” – “làm truyền thông” tốt. Nhưng, theo Tôi (người viết) cái tài của Thầy ấy là cái tài…“đặc thù” được phát huy tốt trong môi trường rất “đặc thù” – Đó là nơi Phật môn thanh tịnh.

Trong thời gian qua, dưới biệt tài “chèo lái” và  dẫn dắt của sư Thầy Thích Thái Trúc Minh ngôi Chùa Ba Vàng gặp không ít sóng gió và khủng hoảng truyền thông triền miên kể từ năm 2019 đến nay, sau khi sự việc truyền bá mê tín dị đoan của hoạt động “thỉnh vong báo oán” đã bị các cơ quan truyền thông-báo chí trong nước đồng loạt chỉ trích mạnh mẽ. Ngay sau đó, Sư thầy Thích Thái Trúc Minh cũng đã nhận lỗi và chấp nhận hình phạt bởi Giáo hội Phật Giáo Việt Nam với hình thức “Sám Hối Đại Tăng” – Đây là hình phạt rất nặng, chỉ xếp sau hình phạt “Diệt tẩn – Trục xuất khỏi tăng đoàn” do TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định.

Dẫu đã bị phạt rất nặng trước đó, nhưng vào ngày 22/12 vừa qua Thích Thái Trúc Minh lại tiếp tục sai phạm trong vụ mang “xá lợi tóc đức Phật” từ Mianmar về Việt Nam trưng bày tại chùa Ba Vàng để người dân chiêm bái, cúng dường. Sau đó, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc và xác nhận một số hoạt động của chùa Ba Vàng như: lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, xin chuyển sang hệ phái Nam tông kinh, phát ngôn gây mất đoàn kết liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu, rước và trưng bày vật thể được cho là “xá lợi tóc Đức Phật” từ Myanmar… gây phức tạp dư luận, tiềm ẩn mất an ninh trật tự trên địa bàn….

ĐỪNG DÙNG TIỀN CÚNG DƯỜNG LÀM THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

Không khó để tìm kiếm thông tin liên quan về Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và những thông tin về vị sư trụ trì Thích Thái Trúc Minh. Ngôi chùa này có hẳn một Ekip đảm nhận triển khai các hoạt động truyền thông rất chuyên nghiệp và hiệu quả thông qua các nền tảng MXH: Fanpages, Youtube, Tiktok… thu hút hàng triệu người theo dõi mỗi kênh, điều mà rất nhiều doanh nghiệp làm kinh tế cũng khó có thể thực hiện được. Câu hỏi được đặt ra, tiền ở đâu mà nhà Chùa duy trì và phát triển các kênh truyền thông quy mô như thể? – Tiền của phật tử cúng dường (!?)

Theo công bố của Sách trắng về các tôn giáo ở Việt Nam thì tín đồ Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự vào năm 2021. Với số lượng tín đồ Phật tử đông đảo như thế thì Market size (thuật ngữ kinh tế) của nhà Chùa quả là vô cùng rộng lớn, không khó để làm truyền thông hiệu quả. Với các chiến lược truyền thông như: giải vong báo oán, cúng dường theo hệ phái Nam tông hay gần đây là vụ chiêm bái “xá lợi tóc phật”… thu lợi hàng trăm tỷ mỗi năm (theo Báo lao động) hay hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Trong một Video clip gần đây, sư Thầy Thích Thái Trúc Minh đã truyền giảng: “Cúng dường là tạo phúc, Phật dạy tạo Phúc là mất tiền…” trong các bộ kinh sách của Phật giáo từ Đại thừa đến tiểu thừa, từ hệ phái Nam Tông đến Bắc Tông đều không đề cập đến việc “tạo phúc là mất tiền” như lời sư Thầy giảng dạy. Thiết nghĩ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải lên tiếng và chấn chỉnh ngay những lời giảng dạy vô lý, sai lệch với hệ tư tưởng Phật Giáo chân chính. Nhiệm vụ chính yếu của các Sư sãi là tu tập và hướng dẫn phật tử tu tập, hướng thiện “bỏ ác, làm lành” không phải là dùng tiền phật tử cúng dường để tập trung làm truyền thông và kêu gọi Phật tử…cúng dường bằng mọi giá.

Chân tu là quá trình tu tập trong tĩnh lặng, bỏ qua hết thảy mọi “tham-sân-si” và những điều tiếng, thị phi ồn ào bên ngoài. Kêu gọi, khuyến khích phật tử cúng dường, thu tiền “giải vong báo oán”… Há chẳng phải chữ “tham” của phàm tục vẫn còn “vương vấn” trong tâm trí của sư Thầy? Không ít các vị doanh nhân thành đạt thừa nhận “Sư Thầy làm truyền thông rất giỏi” – Ai cũng biết đến tên của sư Thầy nhưng không nhiều người biết tên của vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chỉ có một điều khiến cho Họ vô cùng thắc mắc “Phật môn không phải là nơi để làm kinh tế, kinh doanh. Vậy thì lấy tiền ở đâu để sư Thầy làm thương hiệu cá nhân tốt đến như vậy?” Tin rằng, Phật tử đã có câu trả lời.

Lưu ý rằng, những hành vi vụ lợi từ niềm tin của Phật tử là hành vi vi phạm Pháp luật. Sắp tới đây, các cơ quan Pháp luật sẽ có những biện pháp nghiêm minh xử lý hành vi này…

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu (PHÁP ĐẠO) – Phó chủ tịch Hanita Master

ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *