Hầu hết các chủ doanh nghiệp không hoặc chưa hình thành văn hóa đọc khiến cho các hồ sơ ứng tuyển của ứng viên cao cấp trở nên vô tác dụng.
Vốn là lãnh đạo cao cấp với bề dày thâm niên tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đồng thời cũng là một nhà sư phạm nghiên cứu nghệ thuật Lãnh đạo ứng dụng thực chiến, tôi đã kinh qua nhiều doanh nghiệp và tiếp xúc hàng trăm chủ doanh nghiệp và nhận thấy rằng: “Hầu hết chủ doanh nghiệp không hoặc chưa hình thành văn hóa đọc khiến cho các hồ sơ ứng tuyển của ứng viên cao cấp trở nên vô tác dụng… Sự tôn trọng tối thiểu đối với ứng viên không được đề cao, chú trọng!”.
Với sự biến động không ngừng của “thời đại VUCA”, tư duy quản trị của một con buôn hay trọc phú sẽ sớm loại bỏ khỏi thị trường lao động tại Việt Nam….
Vì sao chủ doanh nghiệp hiếm khi đọc hồ sơ của ứng viên cao cấp?
“Bận”- một tính từ khô khốc để biện minh cho một hành động không thật sự chính trực, dũng cảm và có phần “chủ cả” dành cho bộ phận không nhỏ của chủ doanh nghiệp tại Việt Nam. Thực tế là, khi người ta nhận thấy việc gì đó quan trọng tất yếu sẽ có thời gian dành cho nó. Đọc hồ sơ ứng tuyển của một ứng viên cao cấp, phải chăng đó là “hoạt động thừa thãi” tại doanh nghiệp? Tôi chắc chắn đó là tư duy quản trị của một con buôn!
Trên giảng đường đại học, những giảng viên mẫn cán và trách nhiệm như chúng tôi đã và đang cực lực ngày đêm đào tạo “thế hệ tương lai” nắn nót từng câu chữ, từng luận điểm trong hồ sơ ứng tuyển. Hướng dẫn thật kỹ lưỡng cách viết và bố cục hồ sơ ứng tuyển phải thật sự chỉn chu thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối đối với doanh nghiệp và nhà tuyển dụng. Nhưng, chủ doanh nghiệp thì tư duy ngược lại với hành động đáng phải lên án, chỉ trích…
Nhiều chủ doanh nghiệp hiếm khi đọc hồ sơ của ứng viên cao cấp (Ảnh minh họa). |
Phải chăng, tuyển dụng là hoạt động “một chiều”? chỉ một phía tôn trọng, phía còn lại là dửng dưng mặc định “các anh chị cần chúng tôi”? Trên thực tế, những chủ doanh nghiệp có tư duy như thế tồn tại rất nhiều và sự biến động nhân sự tại doanh nghiệp của họ cũng rất lớn, câu chuyện nhân sự “ra – vào” doanh nghiệp diễn ra thường xuyên. Có vẻ, họ cũng không bận tâm vì cho rằng đó là “quy luật” tự nhiên và hiển nhiên phải diễn ra như thế…
Phải thừa nhận với nhau một điều rằng, hoàn toàn không thể thay đổi tư duy của các chủ doanh nghiệp đã và đang thành công trên thương trường với triết lý sống và làm việc “bất cần và duy nhất” (trích quyển “Con buôn, trọc phú và doanh nhân: Tư duy quản trị khác biệt). Họ bất cần lắng nghe, bất cần cầu thị bất kỳ ai và duy nhất chỉ có họ là chân lý, là “thánh nhân” tại doanh nghiệp. Chính vì những tư duy đó nên thương trường tại nước ta rất hiếm có những “doanh nhân” đúng nghĩa…
Văn học là nhân học, cần loại bỏ tư duy con buôn!
Từ thuở còn ngồi ghế nhà trường, chúng ta đã từng nghe được câu nói của đại văn hào người Nga M.Gorki dạy rằng: “Văn học là Nhân học”. Liệu rằng, một con người không ưa thích “văn hóa đọc” có phải là con người chính trực, can trường? Kinh doanh cũng chính là làm người (Giản Tư Trung), chúng ta có thể nhìn vào cách mà họ làm kinh doanh, đối đãi với nhân sự và với những ứng viên tuyển dụng có thể đánh giá phần nào về đạo đức và “năng lực văn hóa” của chủ doanh nghiệp.
Ths Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp. |
Chúng ta thường ngây thơ với luận điểm rằng: “Người làm kinh doanh thành công và giàu có là… doanh nhân”. Điều này đúng, nhưng chỉ ứng với một vài trường hợp nhất định, không phải hầu hết. Dẫn chứng là đối với ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Trần Quí Thanh… đã và đang vướng vào lao lý có xứng đáng là…“doanh nhân” mặc dù họ có khối tài sản nghìn tỷ. Doanh nhân là danh hiệu cao quý không phải là danh xưng bừa bãi để đặt trước cái tên của những chủ doanh nghiệp đã và đang gây phương hại cho lợi ích cho khách hàng và xã hội.
Chúng ta vẫn thường răn dạy con cháu và nhân viên thuộc cấp phải sống và làm việc đúng pháp luật, phải đề cao tính nhân văn của “Chân – Thiện – Mỹ” trong văn hóa kinh doanh. Hà cớ gì, chúng ta lại hành động ngược lại với những gì đã phát ngôn? Không ít các chủ doanh nghiệp đã và đang thuê thầy về giảng dạy cho nhân viên, hỗ trợ nhân viên phát triển năng lực tốt hơn. Nhưng, bản thân họ lại không cầu thị và không đề cao “Văn hóa đọc” – Liệu đó có phải là một nghịch lý đã và đang tồn tại bền vững tại doanh nghiệp?
Đọc hồ sơ ứng tuyển của ứng viên cao cấp là một hành động nhỏ và không mất quá nhiều thời gian. Nhưng nó thể hiện sự tôn trọng của doanh nghiệp dành cho ứng viên. Sự tôn trọng đó là chất xúc tác quan trọng để chủ doanh nghiệp trở thành một tượng đài bất khuất trong tâm trí của ứng viên tuyển dụng và người lao động.
Ngẫm rằng, nếu như các vị minh quân không đọc “Bình Ngô sách” (Nguyễn Trãi) hay “Ngọa Long cương vãn” (Đào Duy Từ) thì liệu rằng họ có tìm thấy và thu phục được hiền tài để cùng lập nên đại nghiệp, lưu danh muôn thuở? Không có được sự “minh định” như các tiền nhân thì chí ít cũng phải có được đức độ của một nhà lãnh đạo có năng lực văn hóa…
ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC